Cha và Con

Trong suốt hơn 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, hình ảnh của Phẫu thuật Nụ Cười nhiều năm gắn liền với hình ảnh của các em bé, những bệnh nhi không may sinh ra mang những khiếm khuyết khuôn mặt như hở môi, hàm ếch. Nhưng trong hành trình trả lại nụ cười ấy, chúng tôi cũng đã thực hiện phẫu thuật cho rất nhiều thanh thiếu niên, người lớn, mà đặc biệt là những người lớn tuổi. Cũng không ít lần, chúng tôi thực hiện phẫu thuật cho hai mẹ con, ông cháu, anh em… và tháng 8/2023 là dịp mà chúng tôi đã điều trị thành công cho hai cha con đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gần cuối giờ sáng của ngày khám sàng lọc khi bệnh nhân đã vãn, đội ngũ chúng tôi thăm khám cho một em bé 6 tuổi đã từng phẫu thuật khe hở môi. Lúc đầu, ai cũng nghĩ rằng người đưa em bé đi khám là ông của em, vì người đàn ông ấy có mái tóc bạc, khuôn mặt trông khắc khổ, ánh mắt buồn bã và giọng nói ngọng rất khó nghe. Các bác sĩ hỏi thăm kĩ trường hợp của gia đình, mới biết đó chính là cha cậu bé, cũng từng mổ vá khe hở môi từ mười mấy năm trước và còn lỗ thủng vòm nên phát âm không được tốt. Biết được thông tin này, các bác sĩ đã tiến hành làm thêm một hồ sơ, tư vấn kĩ càng và đề xuất mổ hoàn thiện phần môi cho người cha. Chính khoảnh khắc gia đình biết rằng mình sẽ được nhận phẫu thuật miễn phí từ những vị bác sĩ hiền hậu, ân cần đã thăm hỏi chu đáo đó, từ ánh mắt tự ti chỉ dám nhìn xuống đất đã ánh lên niềm vui, hai cha con lần đầu nở nụ cười.

Ngày phẫu thuật, người cha đưa con vào phòng mổ, chờ đợi cùng vợ của mình, và cũng là chờ đến lượt mổ của mình ngay sau đứa con. Hai vợ chồng kể thêm cho chúng tôi về câu chuyện của họ. Hai anh chị gặp nhau khi cả hai đều ngoài 40, chị ở nhà buôn bán nhỏ, anh đi làm phụ hồ. Khó khăn lắm mới có mụn con trai. Sinh con ra thấy con dị tật thì thương con vô cùng. Đứa con trai lại quấn cha, đi đâu, làm gì cũng quấn quít cha hơn. Còn người mẹ thì nhẹ nhàng, thỏ thẻ nói chuyện, chăm sóc hai cha con. Với anh chị, con có mang dị tật thì đó cũng là đứa con trai yêu nhất và dẫu có khó khăn đến đâu anh chị cũng sẽ tìm cách chữa trị cho con. Và dường như vì chính bản thân mình đã trải qua những khó khăn mà dị tật đã gây ra, người cha càng thêm yêu chiều đứa con của mình. Khi con được đón ra phòng hậu phẫu, anh ôm con, vừa khóc vừa nựng “Ba đây, ba yêu con, ba yêu con, đừng khóc”. Các bác sĩ đã sắp xếp cho anh được phẫu thuật ngay cạnh phòng con nằm. Ca phẫu thuật của anh là ca gây tê. Vừa tỉnh lại, anh sang ngay sang phòng con, ôm con.

Tình mẫu tử không phân biệt giàu nghèo, lành lặn hay khiếm khuyết. Hai ca phẫu thuật đóng lỗ thủng vòm miệng cho bé Thắng và sửa sẹo môi cho anh Phan Triển hôm đó đã chia sẻ phần nào những tổn thương của một người đàn ông 50 tuổi. Một cuộc đời dài đằng đẵng chịu nhiều thiệt thòi, giờ đây anh đã có thể vui sống những ngày sắp tới vì cả anh và con trai đã được chữa lành.

Một nửa đời người

Đầu tháng 5/2024, tại chương trình phẫu thuật tại bệnh viện E Hà Nội, chúng mình đón tiếp một trường hợp đặc biệt: anh Vi Văn Tản, dân tộc Tày, nhà ở Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình – một xã vùng cao nằm bên bờ con sông Đà hùng vĩ. Giống như dòng sông quê hương, anh Tản cũng có câu chuyện dữ dội của riêng mình.

Sinh năm 1981 với dị tật trên gương mặt, nhưng từ đó đến nay, anh chưa bao giờ được can thiệp phẫu thuật. Mặc dù đã nhiều lần đi khám ở các cơ sở y tế địa phương, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất ở đó không thể phẫu thuật cho anh, trong khi chính anh cũng không đủ điều kiện để có thể đi xa hơn để tìm kiếm cho mình một cơ hội chữa lành. Nên mỗi lần đi khám là một lần anh hi vọng và anh quay về. Sau nhiều lần quay về, anh đành “cứ để như thế” đến hiện nay, nhưng may mắn là “suốt từ hồi đi học, anh chưa bị ai bắt nạt bao giờ, mọi người yêu quý anh lắm!”

Quanh năm gắn bó với ruộng nương để trang trải cuộc sống của gia đình, năm này qua năm khác, mùa vụ này qua mùa vụ khác, anh đã chấp nhận sống và lao động với đôi môi chưa lành. Nhưng sâu trong anh, mình biết luôn có gì đó dữ dội giống như dòng Đà Giang đang cuộn chảy bên trong.

Anh kể là năm kia bên Ủy ban xã thông báo cho anh chương trình phẫu thuật. Nhưng sau đó thì không thấy ai liên hệ gì nữa. Anh đành đợi tiếp. Rồi năm ngoái, anh cũng nhận thông tin từ Ủy ban, anh lại hi vọng, nhưng rồi cũng không có ai liên hệ tiếp. Đến năm nay Ủy ban xã lại thông báo, may mắn có người gọi điện, hẹn thời gian và địa điểm rõ ràng, anh gác lại tất cả công việc đồng áng, khăn gói cùng vợ lần đầu xuống Hà Nội.

Nay gặp anh ở bệnh viện thấy khẩu trang anh luôn đeo kín, trừ mỗi khi được các bác sĩ yêu cầu cởi ra để thăm khám, khám xong anh lại ngay lập tức đeo vào, và lúc nào anh cũng chọn ngồi chờ ở ghế  trong góc. Mình thương anh lắm. Mình hiểu, có những nỗi niềm mà người ta chỉ có thể hi vọng giấu đi qua lớp khẩu trang mỏng manh, dù người ta đã chấp nhận không giấu chúng đi suốt nửa đời người.

May mắn anh được nhận phẫu thuật – sau khi chờ đợi 43 năm. Lần đầu tiên anh tạm xa dòng sông quê hương, xa xóm làng và ruộng nương, để khi quay về, anh sẽ có một cuộc đời khác, cuộc đời không phải chấp nhận hay giấu đi điều gì, dòng sông Đà lúc đó sẽ đẹp hơn.

Vi Văn Tản, anh là một trong 64 trường hợp được phẫu thuật an toàn và miễn phí trên tổng số 80 trường hợp được khám và tư vấn tại bệnh viện E Hà Nội trong chương trình. Chương trình được chung tay bảo trợ bởi các vận động viên, đơn vị tổ chức thông qua những hoạt động thể thao: Vinschool Gardenia, sự kiện Vì Yêu Mà Chạy khởi xướng bởi Rùa Runners, hệ thống giải của RaceJungle, cộng đồng Vietnam Ultra Trail, Vietcombank Runners, Quảng Bình Runners và các thành viên của cộng đồng Smile Runners.

*Câu chuyện và hình ảnh được kể bởi Nhân viên Phát triển Operation Smile Vietnam – Trần Tiến Lâm

Câu chuyện nụ cười tại Huế

“Thương con lắm, cũng có lúc mẹ buồn nhưng nhìn thấy con thương lắm”

Chị Hồ Thị Ngừ đến khám sàng lọc ở chương trình phẫu thuật của tổ chức Phẫu thuật Nụ Cười tại Thừa Thiên Huế lúc khi đã gần trưa, tay xách nách mang đủ thứ đồ dùng, cùng với hai đứa con thơ. Người con trai lớn 6 tuổi bị hở môi, nhưng gương mặt bé vẫn sáng ngời. Chị kể ba mẹ con đi xe đò từ 5 giờ sáng, sau 6 tiếng đồng hồ mới đến được đây. Sáng đi còn chưa ăn sáng, chỉ có mua bịch nhãn theo cho đỡ đói.

Ba mẹ con đến từ huyện Hương Hoá, tỉnh Quảng Trị, là đồng bào người Vân Kiều. Ba đi làm xa ở Bình Dương mới mấy ngày nên không về được, mẹ bỏ việc nương rẫy, gửi đứa con lớn 8 tuổi cho bà nội, để đi tìm cơ hội điều trị hở môi cho con. Chị tâm sự rằng lên đây sợ lắm, trước nay không dám cho con đi phẫu thuật vì sợ gặp rủi ro trong quá trình phẫu thuật. Nhưng thấy con hay bị bạn bè trêu chọc, bạn chê con xấu dữ, rồi chỉ dám về nhà khóc với mẹ. Chị thương con và tội nghiệp cho đứa con bé bỏng mình dứt ruột sinh ra. Nhìn thấy một vài đứa trẻ khác cũng kém may mắn như con mình nhưng nay đã được chữa khỏi bệnh, còn con mình thì chưa được vá môi, chị mới lấy hết quyết tâm đưa con đi phẫu thuật.

Đến chương trình phẫu thuật của tổ chức Operation Smile tại Bệnh viện Răng hàm mặt Huế, được các bác sĩ thăm khám tận tình và tư vấn. Hơn nữa chương trình còn hỗ trợ chỗ ở trong những ngày chờ phẫu thuật và chi phí đi lại, nhờ vậy chị tự tin hơn đưa con vào phòng phẫu thuật. Ngồi ngoài chờ đợi, ánh lên trong mắt người mẹ là những lo lắng khôn nguôi, thế nhưng cũng là niềm vui và hy vọng về một nụ cười lành lặn hơn cho đứa con của mình. Và như phần thưởng lớn nhất cho cả một hành trình dài, nụ cười của bé Dũng đã được trọn vẹn sau ca phẫu thuật. Vậy là, từ nay con đã có thể tự tin hơn trong cuộc sống, không sợ bị bạn bè hay xã hội xa lánh, sẽ sống một cuộc sống như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác.

Người Cha Ireland Của Cậu Bé Hở Môi, Hàm Ếch

Đăng Sơn là một cậu bé sinh ra với dị tật hở môi, hàm ếch bị bỏ rơi bên ngoài trung tâm trẻ mồ côi Hải Dương. Cuộc đời em bước sang một trang mới khi một người đàn ông ngoại quốc đến từ Ireland muốn nhận nuôi em từ giây phút đầu tiên nhìn thấy em qua ảnh.

John Hennigan, giáo viên tiếng Anh của trường quốc tế British Vietnamese International School Hanoi – BVIS Hanoi kể lại khoảnh khắc đó: “Trái tim tôi nhói lên khi thấy nụ cười không lành lặn của con. Tôi lập tức nhận ra rằng đó chính là đứa trẻ mà tôi muốn nhận nuôi.”

Lần đầu tiên họ gặp nhau là ngày Đăng Sơn được đưa đến bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba để phẫu thuật khép môi trong chương trình của Operation Smile Vietnam. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật khác nhau cho Đăng Sơn, và một quá trình làm thủ tục đầy phức tạp, việc nhận nuôi Đăng Sơn quả thực là một hành trình đầy kiên tâm của John: “Trong đời mình, tôi chưa bao giờ làm bất cứ việc gì khó khăn như việc nhận nuôi Liam. Rào cản lớn nhất là việc tôi phải chứng minh mình xứng đáng và đủ khả năng để nhận nuôi con, tôi cũng đã từng nhận một lá thư từ chối từ Ireland.”

Điều kì diệu cuối cùng cũng đã xảy ra vào tháng 6 năm 2021, Đăng Sơn với tên gọi mới là Liam, chính thức được nhận nuôi bởi cha John Hennigan, và bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc, yêu thương và rạng rỡ hơn.

Không phải ngày nào chúng ta cũng nghe tin tức về việc một người ngoại quốc nhận nuôi một đứa trẻ mang dị tật hàm mặt. Nhưng điều đó đã xảy ra và truyền đi thông điệp để mọi người tiếp tục tin tưởng vào những điều kì diệu trong cuộc sống này mà có thể chính bạn cũng là người tạo nên sự thay đổi, tạo nên những câu chuyện chạm đến trái tim nếu bạn không ngừng yêu thương.

Người Mẹ Ngồi Xe Lăn Đưa Con Đi Phẫu Thuật Hở Môi

Trong chương trình phẫu thuật tập trung cuối cùng của năm 2021, trước khi làn sóng covid khiến các tỉnh thành siết chặt các biện pháp giãn cách và phong toả, có một người mẹ với sức mạnh vĩ đại đã vượt đường xa đưa con đến phẫu thuật khép môi.

Nhà của mẹ con chị Y Chinh ở thôn Diếk Nót, một thôn nhỏ của người Ca Dong, thuộc xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông – miền rừng núi xa xôi của tỉnh Kon Tum, giáp ranh với Quảng Ngãi. Hẳn ai cũng còn nhớ trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2020, thì xã Ngọc Tem là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, thuộc điểm có sạt lở nghiêm trọng nhất trong hàng chục điểm sạt lở trên tuyến đường Trường Sơn Đông.

Bão rút, đường vừa được sửa lại, cũng vừa hay chương trình của Operation Smile Vietnam về Quảng Ngãi. Mặc dù phải ngồi xe lăn, chị Y Chinh cũng quyết đưa A Quốc Bảo – con trai nhỏ 17 tháng tuổi của chị đến Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi mong các bác sĩ có thể chữa lành đôi môi cho con.

Hình ảnh người mẹ ngồi xe lăn đưa con đến, tự mình làm thủ tục cho con, chăm sóc con, đưa con vào phòng mổ là những hình ảnh thực sự xúc động và không thể quên được với đội ngũ tình nguyện viên của Operation Smile. Ca phẫu thuật dài bốn mươi phút, cũng là bốn mươi phút đầy hy vọng nhưng cũng nhiều lo lắng của người mẹ khi đặt trọn tất cả hi vọng vào sau cánh cửa phòng mổ. Trước giờ mẹ của Bảo chưa đi đâu xa bao giờ, vì đôi chân của mẹ không như bình thường, mà gia đình lại sống giữa trập trùng đồi núi. Và hơn ai hết, mẹ hiểu rằng một khiếm khuyết trên cơ thể dù nhỏ thế nào, cũng sẽ khiến cho tương lai con thêm khó khăn, gập ghềnh như những gì mẹ đã phải trải qua. Hơn mọi điều, mẹ Y Chinh chỉ mong Bảo có thể ăn uống bình thường, đến lớp tự tin và lớn lên với giấc mơ vượt qua những dãy núi cao quê mình, điều mà mẹ chưa bao giờ dám mơ tới.

Với chị Y Chinh, hành trình đi tìm lại nụ cười cho con có lẽ là hành trình lớn lao nhất trong đời chị. May mắn thay, chị đã cùng con trai vượt qua hành trình ấy với sự hỗ trợ của các bác sĩ, tình nguyện viên, và cả cộng đồng. Hành trình ấy chúng tôi chỉ có thể miêu tả bằng hai chữ – TÌNH YÊU mà thôi!

Gia tài của Cha Mẹ

Niềm hạnh phúc của gia đình bé Kim Thùy sau 2 lần bị từ chối phẫu thuật

Con gái anh Hùng quê ở Tiền Giang bị hở môi một bên. Anh làm nghề thợ mộc, vợ anh thì bán quán nước nhỏ nhỏ đơn sơ. Gia đình anh đã phải gồng gánh rất nhiều để có thể trụ lại được qua dịch Covid. May mắn có người em họ giới thiệu tổ chức Operation Smile và đăng ký cho bé Kim Thùy, con gái 1 tuổi nhỏ xíu của anh chị. Ngày mà hai vợ chồng nhận được điện thoại hẹn ngày đi khám mà mừng rớt nước mắt. Nhưng chưa kịp vui được bao lâu thì nỗi lo lắng về tiền bạc để trang trải chi phí cho hành trình chữa môi cho con lại ập đến khiến anh chị phải đem chiếc xe máy – công cụ có giá nhất trong nhà để mưu sinh đi cầm cố.

“Ủa chương trình phẫu thuật miễn phí mà sao anh phải cầm xe để làm gì vậy?”

Anh cười trừ lắc đầu: “Trời ơi cô ơi, để lên đây mổ miễn phí thì cũng phải chuẩn bị tiền để xài trên Sài Gòn chớ. Mà tui đâu có tiền để mua vé xe lên đây, còn tiền ăn uống, tiền ở trọ mấy bữa nữa. Nên thôi tui cầm cái xe để có tiền cho con bé lên đây khám nè.”

3 tiếng ngồi xe đò, 2 tiếng chờ bốc số làm hồ sơ, công sức cả nhà lặn lội đường xa, thời gian chờ đợi, đánh liều cầm cố xe máy nhưng kết quả lại không được như mong đợi. Em bị bạch cầu cao nên không đủ tiêu chuẩn để nhận phẫu thuật. Operation Smile lại hẹn gia đình em 1 tuần sau làm xét nghiệm lần nữa. Vì thế gia đình em lại làm một chuyến lên Sài Gòn. Em bé nhỏ xíu nặng 7kg, cao 60cm lại tiếp tục làm xét nghiệm. Em còn quá bé và sợ kim đau nên các nhân viên y tế cũng phải rất cẩn thận để lấy máu cho em. Kết quả vẫn thế, bạch cầu em vẫn chưa ổn định để được phẫu thuật. Gia đình em lại trở về một lần nữa. Đến lần thứ 3, bạch cầu tuy cao nhưng qua các vòng xét nghiệm kĩ lưỡng, đến siêu âm tim và khám nhi. Bé đã được chấp nhận mổ.

Khi có lịch mổ cho bé Kim Thùy, chị Quyền – mẹ bé cố gắng chăm sóc em cẩn thận hơn để em có sức khỏe đối diện với khó khăn phía trước. Ngày đi mổ, hai vợ chồng anh chị vô cùng lo lắng, nhưng cũng chỉ có thể túc trực ở bên ngoài phòng mổ. Suốt một ngày dài khi em tỉnh lại, anh chị mới thả lỏng tâm trạng của mình. Khi tái khám sau mổ 1 tuần, vết thương của em đang dần hồi phục vô cùng tốt. Đây có lẽ là niềm vui to lớn nhất trong năm 2022 trước khi bước sang năm mới của gia đình nhà bé Kim Thùy.

Câu chuyện của Khiêm

Khiêm là một cậu bé đến từ Hải Phòng, sinh ra trong một gia đình cha mẹ vô cùng yêu thương em. Lúc vừa sinh, mẹ em đã vô cùng đau lòng khi thấy con mình không được lành lặn như những đứa trẻ khác. Khiêm bị dị tật hở môi, ăn uống, bú sữa đều vô cùng khó khăn. Cha mẹ em khắc khoải khôn nguôi với bao lo lắng rồi con mình sẽ như thế nào, làm sao để chữa trị cho con, mai sau lớn lên trông con sẽ ra làm sao, mọi người sẽ kì thị em… May mắn thay, cha mẹ Khiêm đã biết đến chương trình phẫu thuật của Operation Smile, lại đúng vào đợt có nhiều chuyên gia y tế và nhà tài trợ từ Hoa Kỳ đến công tác tại Hà Nội. Biết tin, cha mẹ đón xe từ sớm đưa em đến bệnh viện cho kịp thăm khám. 45 phút con ở trong phòng mổ là 45 phút cha mẹ đứng ngồi không yên, vừa sợ con đau, vừa mong chờ ca phẫu thuật thành công. Sau ca phẫu thuật, cha mẹ Khiêm thật sự vỡ oà trong hạnh phúc. Anh chị cứ ngắm mãi khuôn mặt xinh xắn với nụ cười của con đã được chữa lành, đã là một Khiêm đẹp trai, kháu khỉnh của cha mẹ.

Câu chuyện của Khiêm cũng là một trong hàng chục ngàn câu chuyện của những đứa trẻ và các bậc cha mẹ khi biết con mình sinh ra mắc dị tật hàm mặt, cho đến khi con được nhận phẫu thuật với chất lượng điều trị y tế tốt nhất tại Operation Smile. Cứ mỗi một đứa trẻ được chữa lành, chúng tôi biết mình có thêm một động lực để tiếp tục hành trình nụ cười cho trẻ em Việt Nam.

Câu chuyện của Sớ – Cảm ơn vì một lần tin tưởng!

Cứ Thị Sớ là một cô bé người H’Mông có dị tật khe hở môi và hàm ếch, em sống tại một vùng sâu thuộc tỉnh Lào Cai. Năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của Thầy giáo Quyết, Sớ may mắn đến với Operation Smile và được điều trị hở môi. Tuy nhiên, sau đó Sớ vẫn cần phải tiếp tục đóng khe hở trong vòm miệng để giảm bớt khó khăn trong việc ăn uống và phát âm của em.

 

Hai năm sau, nhờ sự thuyết phục ân cần của thầy Quyết và Tiến Lâm – nhân viên của Operation Smile, gia đình Sớ đã đồng ý đưa cô bé xuống Hà Nội để tiếp tục quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, vì hai bố con Sớ đều bị Covid-19 nên đành phải quay về Lào Cai, mang theo nhiều nỗi lo lắng và sự bế tắc. Một năm sau đó, vào tháng 3/2023, Operation Smile tổ chức chương trình phẫu thuật Nụ cười tại Hà Nội. Trùng hợp thay, trước ngày khám sàng lọc, hai cha con Sớ đã được những người bạn của Operation Smile biết được và hỗ trợ đưa hai cha con em Sớ xuống Hà Nội. Cuối cùng, gia đình Sớ cũng đồng ý cho em thăm khám tại bệnh viện để có được nụ cười hoàn hảo.

 

Sau khi xuất viện, bố Sớ nghẹn ngào hạnh phúc không nói nên lời mà nắm chặt lấy tay Lâm không ngừng cảm ơn. Niềm vui của bố Sớ, của đội chương trình Operation Smile, của các bác sĩ, điều dưỡng đã mổ cho em, và trên hết đều xuất phát từ niềm vui vì mọi người đã cùng chung tay làm được một việc kì diệu: Đem sự BÌNH THƯỜNG đến cho Sớ.