Câu Chuyện Của Danh

Câu chuyện về Danh

Hình: Margherita Mirabella

Khi vô tư chơi bóng và cầu trượt cùng đám bạn ở một xã vùng sâu vùng xa của tỉnh miền núi Hòa Bình, một cậu bé 3 tuổi, Danh, dường như không hề bận tâm tới dị tật khe hở môi bẩm sinh của chính mình.

Tuy nhiên bất cứ khi nào đám bạn gọi cậu bằng cái biệt danh “Sứt”,  không kiềm chế được cơn giận do bị trêu chọc, Danh sẽ lao vào đánh những kẻ bắt nạt mình cho tới khi chúng ngừng việc nói cái biệt danh đầy xúc phạm đó.

Nhưng đáng kinh ngạc rằng, Danh chưa bao giờ khóc khi bị chế nhạo như thế. Đây chính là minh chứng cho tình yêu thương vô điều kiện và sự ủng hộ cần thiết từ gia đình cậu bé. Mẹ Danh – chị Ái và người cha – anh Luyến chưa từng gặp ai có dị tật khe hở môi cho tới khi Danh được sinh ra. Với họ, điều đó chẳng hề quan trọng khi so với niềm vui đón đứa con thứ ba của gia đình. Nữ hộ sinh của Ái đã giải thích rằng việc một đứa trẻ sinh ra với dị tật khe hở môi không phải là một điều hiếm gặp, và hoàn toàn có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Khi trạm y tế xã hướng dẫn gia đình về cách chăm sóc cho Danh, cậu bé đã không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc bú mẹ – trong khi nhiều đứa trẻ có dị tật khe hở môi – hàm ếch khác, điều này là rất khó khăn, thậm chí là không thể. Với một số gia đình không đủ điều kiện tài chính, họ cũng không đủ tiền để chi trả chi phí phẫu thuật. Gia đình Danh cũng thế, là một gia đình thuần nông, cuộc sống dựa vào mảnh vườn và thửa ruộng. Chính vì thế, lựa chọn duy nhất là đăng kí trường hợp của Danh với chính quyền địa phương, để khi có chương trình phẫu thuật miễn phí, chính quyền sẽ thông báo cho gia đình.

Rồi ngày đó cũng đến, chính quyền xã thông báo có chương trình phẫu thuật miễn phí của Operation Smile tại Hà Nội, gia đình Danh đã vô cùng vui mừng.  Bố Danh, bà nội và người chú của Danh đã đưa cậu bé xuống Hà Nội với niềm hi vọng rằng bé sẽ được phẫu thuật. Trên chuyến xe kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, ai cũng bồn chồn và lo lắng, vì đây là lần đầu tiên họ xuống một thành phố lớn. Ở nhà để chăm đứa con thứ 4 mới chào đời, chị Ái cũng bồn chồn không kém, thấp thỏm mong đợi tin tức của cả nhà.

Tại bệnh viện nơi diễn ra chương trình, gia đình Danh rất ngạc nhiên khi gặp gỡ nhiều gia đình khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trong bầu không khí đầy sự đồng cảm, họ đã chia sẻ rất nhiều về những kinh nghiệm chăm sóc một đứa trẻ có dị tật khe hở môi – hàm ếch. Tuy nhiên, sự đồng cảm dần dần nhường chỗ cho sự thất vọng: trong quá trình khám sàng lọc – một bước vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an toàn phẫu thuật – các bác sĩ cho biết Danh đang bị sốt, do đó cậu bé không thể được phẫu thuật trong chương trình lần này. Gia đình Danh sẽ phải chờ thêm 4 tháng nữa, khi chương trình tiếp theo được Operation Smile tổ chức tại Hà Nội.

4 tháng trôi qua mà cảm tưởng như quá lâu với những người đang chờ đợi. Rồi ngày đó cũng tới, Danh và bố mẹ lại khăn gói xuống Hà Nội để tham gia chương trình phẫu thuật của Operation Smile, nuôi hi vọng về cơ hội thứ hai để có được nụ cười lành lặn cho cậu bé. Lần này, sức khỏe của Danh tốt và đảm bảo đủ các điều kiện để tiến hành phẫu thuật. Sau 45 phút trong phòng mổ, cậu bé “Sứt” đã hoàn toàn lành lặn. Sáu tháng sau ca phẫu thuật, khi vết mổ hoàn toàn bình phục, mẹ Danh cho biết cả gia đình đã vui mừng khôn xiết khi đôi môi Danh được chữa lành như bao đứa trẻ bình thường khác, sức khỏe của Danh thậm chí còn được cải thiện hơn và điều quan trọng, là mẹ Danh có thể hiểu hoàn toàn những gì cậu bé nói.

Sau khi phục hồi hoàn toàn sau ca phẫu thuật đổi đời, Danh đi học trở lại. Tại trường, thỉnh thoảng cậu bé vẫn xô xát với đám bạn của mình, nhưng lũ trẻ không bao giờ gọi Danh là “Sứt” nữa.

Mẹ Danh còn cho biết, chị và gia đình vô cùng biết ơn những người ủng hộ và tình nguyện viên của Operation Smile – những người đã làm thay đổi mãi mãi cuộc đời con trai mình, giống như đã thay đổi cuộc đời của hơn 60,000 trẻ em khác trên khắp đất nước khi Operation Smile bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.